Trong vài năm gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nhìn xa có màu sắc rất giống vàng nhưng khi nhìn lại gần thì hầu hết mọi người nhìn ra đó chỉ là vàng trang trí màu sắc giống vàng. Đây là công nghệ mạ phun màu loại mới mà mọi người gọi nó nhiều tên: Mạ vàng nano, mạ vàng công nghệ, mạ giả màu vàng, phun mạ màu vàng. Nhưng từ chính xác nhất để nói về công nghệ này là phun mạ màu.
Bản chất của công nghệ này là dùng phản ứng hóa học tráng bạc ngay trên bề mặt, tạo bề mặt bóng sáng để tạo phản xạ ánh sáng gần như tuyệt đối. Sau đó, họ dùng một lớp sơn có tác dụng màn chắn lọc sắc để tạo ra màu sắc vật thể theo ý muốn. Công nghệ này dùng sơn để tạo ra các hệ màu rất phong phú. Chính vì nó dùng phản ứng hóa học để kết tủa bạc trên bề mặt như mạ hóa học và phun sơn để đánh màu, nên tên công nghệ là phun mạ màu là hoàn toàn nói đúng bản chất của công nghệ này.
Lên Youtube để search “mạ vàng Nano” dễ dàng tìm thấy hàng nghìn video kết quả công đoạn phun mầu trên các tượng, đồ nội thất. Thực chất đây là công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ưu điểm của “mạ vàng nano”
Ưu điểm của công nghệ này là có thể tạo màu sắc theo ý của người dùng. Các nhà sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc đã tạo ra các dải màu hết sức phong phú. Một đặc điểm quan trọng của hệ phun màu này là có thể phun trên mọi chất liệu bởi thực tế trước khi cho phản ứng trên bề mặt, người ta thường phun một lớp sơn lót. Lớp sơn này có hai tác dụng: một là tạo bề mặt nhẵn bóng, thứ hai là tạo cho vật thể cách ly với nước và dung môi hòa tan có trong sơn và các dung dịch phun lên vật thể. Chính vì đặc điểm áp dụng rộng rãi nên công nghệ này hay áp dụng cho các vật thể lớn cần phủ màu sắc như: Tượng, các chi tiết trang trí trong showroom, tòa nhà… Một phần nhỏ áp dụng vào làm đẹp các tượng trong chùa và ngoài trời.
Một ưu điểm nữa của công nghệ mạ phun màu là giá thành rất rẻ bởi thực chất chi phí lớn nhất không phải là hóa chất và dung dịch, mà nhiều trường hợp chi phí lớn nhất là nhân công thực hiện cho mài nhẵn bề mặt, hàn vá sản phẩm trước khi cho vào phun màu.
Nhược điểm của công nghệ mạ phun màu
Chính vì lớp màu phủ đa dạng về màu sắc và chi phí rẻ dẫn tới nhiều cơ sở dùng các nguyên liệu phun rẻ tiền. Theo thời gian ngắn, các lớp sơn trên bề mặt sẽ bị oxi hóa và bong tróc, đặc biệt các bức tượng để ngoài trời bị các yếu tố lý hóa của môi trường tác động. Ngoài ra, đi sâu vào bản chất công nghệ: bề mặt càng bóng thì độ liên kết càng kém. Một nguyên nhân dẫn tới công nghệ phun không phát huy hiệu quả chính là sự liên kết giữa các lớp phun phủ lên bề mặt. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các sản phẩn dùng công nghệ phun phủ này có độ bền rất thấp và nhà sản xuất thường áp dụng cho các sản phẩm rẻ tiền, dùng trong thời gian ngắn và không thật sự có giá trị.
Ứng dụng của mạ vàng nano
Do giá thành rẻ và thi công được trên hầu hết các vật liệu nên “mạ vàng nano” phổ biến để trang trí nội thất, mạ giả vàng các chi tiết nội thất, ngoại thất và ứng dụng để mạ rất nhiều tượng phật trong các đình chùa, đền. Ngoài ra một số cơ sở kinh doanh quà tặng mạ vàng trà trộn sản phẩm mạ nano với chất lượng kém hơn nhiều so với mạ điện phân để cạnh tranh bằng giá thấp.