Loài chó chính là một trong những động vật được loài người thuần hóa sớm nhất trong lịch sử. Ngày nay, chó được coi như là “người bạn tốt” của con người. Nhưng từ trước đó, các xã hội cổ đại, bao gồm cả Trung Quốc cổ đại cũng chia sẻ quan niệm này. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, loài chó giữ nhiều vai trò quan trọng, không chỉ trong đời sống thường nhật mà còn cả trong những câu chuyện thần thoại của người dân.
Chó – Một trong 12 con giáp
Ở Trung Quốc, trong suốt hàng ngàn năm, người ta đã trân trọng xếp loài chó vào hàng 12 con giáp “sanh tiếu” (生肖) [1]. Theo quan niệm truyền thống, người sinh vào tuổi Tuất (tức tuổi Chó) cũng sở hữu những phẩm chất tương tự loài chó như: trung thành, đáng tin cậy, tốt bụng.
Đôi chó đá canh trước Lăng Mẫu (Thọ Xuân, Thanh Hóa) có kích thước lớn bằng người thật
Có một câu thành ngữ Trung Quốc nói về lòng trung thành của loài chó như sau: “Cẩu bất hiềm gia bần, nhi bất hiềm mẫu xú” (狗不嫌家贫,儿不嫌母丑). Nghĩa là: “Chó không chê chủ nghèo, con không chê mẹ xấu”.
>> Xem thêm: Tượng chó canh cổng cầu phúc, trừ tà
Sự tôn trọng dành cho loài chó có lẽ thể hiện rõ ràng hơn trong các câu chuyện thần thoại của người dân tộc ít người Trung Quốc. Ví dụ, người Dao và người Xa thờ phụng một chú chó có tên là Bàn Hồ và coi đó như tổ tiên của mình. Truyền thuyết kể rằng, Bàn Hồ vốn là chó nuôi của Đế Khốc [2]. Trong một lần Đế Khốc gặp nạn trên đường chinh phạt, Bàn Hồ đã giết chết tướng địch rồi lấy được đầu hắn về.
Tục thờ chó đá ở một số vùng nông thôn Bắc bộ vẫn được lưu giữ đến ngày nay
Để tưởng thưởng cho chiến công này, hoàng đế đã gả con gái của mình cho Bàn Hồ. Bàn Hồ mang công chúa về vùng núi phía nam Trung Quốc rồi sinh con đẻ cái ở đấy. Vì thế, người Dao và người Xa có một giới luật cấm kị ăn thịt chó.
Chó – Một vật hiến tế
Theo những sử liệu được ghi chép trong thư tịch cổ Trung Quốc, chó không những được dùng để canh gác hay tham gia vào những cuộc đi săn mà còn trở thành vật hiến tế trong các nghi lễ.
Đã có những bằng chứng cho thấy rằng, trong suốt triều đại nhà Thương, sau khi xây cất xong các lăng tẩm, cung điện hoàng gia, người ta thường giết chó để hiến tế như một kiểu “khánh thành” cho công trình mới.
Đôi chó đá ở phía sau phủ to lớn, ngồi canh như ngăn chặn mọi tà ma, những điều xấu thâm nhập vào trong phủ
Ngoài ra, người ta cũng từng giết chó và chôn cất ở trước nhà hay trước cổng thành để xua đuổi tà ma hay những điềm xấu. Dần dần, theo thời gian, việc giết chó hiến tế ngày càng ít đi và chó rơm được dùng để thay thế.
>> Xem thêm: Tìm hiểu tục thờ tượng Chó của người Việt
Với vai trò là một linh vật canh gác trung thành, chó được người Việt xưa tôn sùng và thờ cúng gọi với cái tên đầy kính trọng như Thần cẩu, Quan hoàng cẩu… như những vị quan, vị thần xét xử những điều oan khuất của những người dân trong làng. Do vậy khi có oan tình gì người dân thường kêu với Quan hoàng cẩu hoặc kéo nhau ra trước bức tượng quan hoàng cẩu mà thề độc để chứng minh sự trong sạch của mình.
Quang Huy