Tâm lý đám đông, hiệu ứng lây lan của người dân là nguyên nhân khiến giá vàng, USD tăng vọt, tạo cơ hội cho nhà đầu cơ kiếm lời lớn.
Bắt đầu từ ngày 8-5, trước những lo ngại về tình hình biển Đông, nhiều nhà đầu tư liên tục bán cổ phiếu, phía thị trường chứng khoán chỉ trong một ngày đã mất 3 tỉ USD. Còn thị trường vàng thì giá vàng tăng mạnh, có lúc tăng vọt lên đỉnh điểm 37,5 triệu đồng/lượng, ngưỡng cao nhất suốt hơn nửa năm qua. Giá USD cũng đi lên liên tục.
Nhà đầu cơ “làm giá” chứng khoán, vàng, USD
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, khẳng định một số nhà đầu cơ lợi dụng thông tin biển Đông để bán ra một số mã dẫn dắt thị trường khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ nghĩ đó là dấu hiệu của thị trường nên đồng loạt bán ra, vì thế chứng khoán “bốc hơi” nhanh chóng. Các nhà đầu cơ chỉ bán ra một ít nhưng họ lại được dịp mua vào rất nhiều cổ phiếu giá rẻ nhằm kiếm lợi nhuận cao.
Tương tự, với thị trường vàng, theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, sở dĩ vàng trong nước đi ngược chiều so với thế giới là do nhiều người cùng đổ xô đi mua, tạo ra tâm lý đám đông khiến giá vàng ngày càng đẩy lên cao. Giá USD tại các ngân hàng cũng liên tục được điều chỉnh tăng lên đến mức chưa bao giờ trở nên sôi động như thế.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng khẳng định qua theo dõi, nắm bắt thị trường vàng trong và ngoài nước, cho thấy không có những nguyên nhân tác động từ các yếu tố kinh tế khiến giá vàng tăng mà chủ yếu do yếu tố tâm lý đầu cơ, làm giá.
Ngân hàng vẫn hoạt động ổn định
Tại cuộc họp ngày 22-5, NHNN Chi nhánh TP.HCM với một số ngân hàng thừa nhận: “Khi hỏi người dân rút tiền ra làm gì thì được trả lời là mua vàng và mua USD tích trữ”. Tuy nhiên, số lượng rút ra cũng không đáng kể, bởi theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng và lượng huy động vốn từ dân cư vẫn không ngừng tăng. Ông cũng khẳng định việc tỉ giá, vàng có biến động là do tâm lý đầu cơ, tích trữ. “Nhiều người đầu cơ lợi dụng tình hình biến động ở biển Đông để đầu cơ làm giá nhằm kiếm lợi nhuận cao và điều này khiến giá vàng và ngoại tệ tăng” – ông Thanh nói.
Dù giá vàng, USD thời gian qua biến động nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép. Tuy nhiên, nếu biến động ngoài biên độ và kéo dài, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Ông Thành khẳng định: “Đến nay, tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Các ngân hàng vẫn tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ người dân, kiều hối tăng và xuất khẩu vẫn tăng. NHNN vẫn cam kết sẽ tiếp tục được giữ ổn định tỉ giá nếu có điều chỉnh thì không quá 2% trong năm nay như thống đốc đã nói”.
Nên bán vàng và gửi tiết kiệm
Vậy trong bối cảnh hiện nay, theo TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, người dân hãy thận trọng trước khi đưa ra mọi quyết định mua bán trên thị trường. Hiện vàng đang tăng giá, người dân nào có vàng thì nên bán vàng, sẽ lợi hơn so với trước. Ngược lại, người dân không nên mua vàng bây giờ vì có thể sẽ bị thiệt hại.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đối với những người dân thông thường thì kênh đầu tư an toàn nhất vẫn là gửi tiết kiệm. Về vấn đề tỉ giá, với mức dự trữ ngoại tệ lớn như hiện nay khoảng 35 tỉ USD, NHNN đủ sức bán ngoại tệ ra để can thiệp thị trường. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng không nên bỏ trứng vào một giỏ vì rủi ro cao. Nếu am hiểu về thị trường tài chính có thể vừa gửi ngân hàng, kết hợp đầu tư chứng khoán vì đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Theo Phapluat